Thay vì la hét và nói “không” khi bắt gặp hành vi nào đó, bạn có thể đưa ra một số lựa chọn cho trẻ.
Một ngày bạn nói “không” bao nhiêu lần? Nếu là phụ huynh có con nhỏ, từ đó có thể xuất hiện khá thường xuyên. Do được sử dụng nhiều lần, hiệu quả của nó có thể bị suy giảm. Trang Verywell Family chia sẻ một số mẹo kỷ luật trẻ nhỏ mà không phải nói “không”.
Đưa ra gợi ý để trẻ nói “vâng”
Không hài lòng khi thấy trẻ nhảy lên nhảy xuống trên giường hoặc đòi ăn thêm kem, bạn có thể đưa ra lựa chọn tương tự thay vì nói “không”: “Mẹ không biết là nhảy nhót khiến con vui như vậy đấy. Con có thể biểu diễn cho mẹ xem con nhảy cao như thế nào ở trên sàn nhà không?”, “Hôm nay con ăn một que kem rồi. Ngày mai con sẽ được ăn thêm que nữa. Giờ con ăn thử món kia nhé?”.
Điều quan trọng bạn cần nhớ là hãy đưa ra những phương án để dù trẻ chọn cái nào cũng hợp lý.
Nói “không” theo cách khác
Đôi khi bạn bắt buộc phải ngăn trẻ làm việc gì đó. Tuy nhiên, để không phải lặp đi lặp lại từ “không”, bạn hãy chọn những từ cụ thể hơn tùy từng trường hợp: “Dừng lại!”, “Nóng đấy!”, “Nguy hiểm!”.
“Câu giờ”
Nếu trẻ đòi ra ngoài chơi nhưng bạn chưa yên tâm khi để con một mình, hãy hướng trẻ đến thứ gì đó, chẳng hạn: “Được rồi, vài phút nữa mẹ con mình sẽ cùng ra ngoài. Trong khi đợi mẹ giặt đồ, sao con không nghịch ôtô một lúc?”.
Ảnh: Getty Images
Nếu bạn không thể đáp ứng yêu cầu của trẻ trong tương lai gần, hãy nói như sau: “Chúng ta không thể ra ngoài hôm nay, nên bây giờ con chơi búp bê đi nhé, rồi mẹ con mình sẽ cùng làm gì đó thú vị sau bữa trưa”.
Nghĩ kỹ khi muốn ngăn trẻ
Bạn có nên nói “không” với mọi hành vi kỳ lạ của trẻ? Việc con gái bạn muốn mặc váy công chúa chỉ để đi ra cửa hàng tiện lợi liệu có phải là điều không thể chấp nhận được? Việc con trai nghịch nồi và chảo có tồi tệ đến mức như bạn nghĩ? Nếu muốn giảm số lần nói “không” với con trong ngày, bạn nên suy nghĩ kỹ hơn về từng tình huống và thử thay đổi cách phản ứng.
Nhất quán
Khi nói rằng nếu trẻ tiếp tục bật vòi nước trong bồn tắm, bạn sẽ không cho trẻ xem TV, hãy đảm bảo thực hiện đúng. Nếu không, lời cảnh báo của bạn không có ý nghĩa và trẻ sẽ vẫn cư xử theo cách như cũ.
Theo dõi số lần nói “có” và “không”
Justine Miller, bà mẹ ở New York có con hai sinh đôi, nói rằng đã lập biểu đồ về số lần nói “có” và “không” trong ngày. “Tôi nhận ra khi trẻ nhìn thấy mình đã gặp rắc rối với một việc gì đó nhiều lần, chúng sẽ ý thức hơn về hành vi”, Miller nói.
Dần dần, cô không còn phải hét lên những câu như “Đừng nhảy trên giường như thế!” bởi các con đã nhớ không được phép làm vậy. Cô nhận thấy số lần nói “có” của mình cũng nhiều hơn hẳn số lần nói “không”, và tất cả thành viên đều cảm thấy hạnh phúc. Miller quyết định treo thưởng để khuyến khích các con vào những ngày cư xử tốt.
Việc nói “không” đôi khi sẽ kém hiệu quả vì không mở ra lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, đôi khi đó là từ rất hợp lý nếu bạn sử dụng đúng thời điểm. Khi nói “không”, bạn hãy nói một cách dứt khoát, tránh dông dài. Thực tế, trẻ không thể lúc nào cũng biết cách cư xử đúng mực, chúng cần được người lớn định hướng để sửa chữa.
Thùy Linh/Vnexpress.net
NHỮNG MÓN QUÀ CHO CON BỐ CÓ THỂ THAM KHẢO!