BỈ VỎ
Tiểu thuyết Bỉ vỏ được Nguyên Hồng viết đi viết lại ít nhất năm lần, hoàn thành vào ngày 26 tháng 4 năm 1937 và giành được giải thưởng văn chương của Tự Lực Văn Đoàn. Lúc đó, nhà văn mới mười chín tuổi. Ở cái tuổi còn non nớt nhưng đã chịu nhiều ghẻ lạnh và sớm sống đời bươn chải, Nguyên Hồng khi ấy vào tù ra tội và tiếp xúc với mọi hạng người cùng khổ trong xã hội. Chính trải nghiệm đã cung cấp những chất liệu đầu tiên cho sáng tác của ông.
Bỉ vỏ kể câu chuyện cuộc đời Tám-Bính, một gái quê với tâm hồn trong sáng và hướng thiện, từng bước bị xã hội đương thời dìm xuống trong đau khổ và khinh khi, bẻ gãy nhân cách cho đến ngày không còn có thể cứu vãn. Dù được viết khi tác giả còn rất trẻ, chưa thực sự hoàn hảo trong cách xử lý câu chuyện và nhân vật, nhưng Bỉ vỏ đã thành công với việc phơi bày hiện thực xã hội đầy nghiệt ngã và sớm báo hiệu một tài năng văn chương trong tương lai không xa. Dẫu cho tác phẩm mang cái kết bi kịch tận cùng, người đọc vẫn có thể nhận ra tấm lòng nhân hậu và niềm tin của tác giả vào con người qua những trang viết ấy. Hẳn như Nguyên Hồng đã viết, Bỉ vỏ là “một cái gì tinh khiết của hồn, xác tôi cho cõi đời mà tôi yêu mến!”
Ở lần xuất bản này, Đông A giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm Bỉ vỏ, với phần nội dung được dùng lại từ bản in lần đầu năm 1938 của nhà xuất bản Đời Nay. Về tiêu chí biên tập, chúng tôi chỉ sửa lại một số lỗi chính tả và lỗi in, căn cứ theo quy cách chính tả hiện hành. Ví dụ, các chữ “chót”, “giòng sông”, “trạn bát”… được sửa thành “trót”, “dòng sông”, “chạn bát”… Các chi tiết khác như dấu nối từ (Hải-phòng, Nam-định) và tiếng lóng của tác giả đều được giữ nguyên như bản gốc. Ngoài ra, trong ấn bản này, chúng tôi bổ sung mười hai minh họa của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ.
Sử dụng phong cách của trường phái nghệ thuật Ngây thơ (Naïve Art), tác phẩm của Hoàng Phượng Vỹ thường được đặc trưng bởi sự đơn giản, bộc trực, như trẻ thơ. Ông loại bỏ các quy tắc phối cảnh truyền thống, sử dụng màu sắc mạnh mẽ, đôi khi tương phản gắt gao, để biểu đạt một trạng thái hiện thực không phải như nó được nhìn thấy, mà là hiện thực như họa sĩ cảm thấy. Ở bộ minh họa Bỉ vỏ, đôi chỗ Hoàng Phượng Vỹ sử dụng những ẩn dụ tinh tế, đậm chất Việt Nam, thể hiện không chỉ sự tiếp nhận và kết nối của họa sĩ đối với văn bản ông minh họa, mà còn cho thấy rõ mối quan tâm của ông đối với các tác phẩm văn học nói chung.
Với “tất cả cảm tình đằm thắm tươi sáng” của Nguyên Hồng khi viết Bỉ vỏ, cũng như tâm huyết của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ khi thực hiện minh họa, những người làm sách hy vọng ấn phẩm này sẽ đưa đến bạn đôi giờ đọc sách lý thú.
Bỉ vỏ nằm trong tủ sách Văn chương và Mỹ thuật của Đông A.
Giới thiệu tác giả:
Nguyên Hồng (1918 – 1982) là nhà văn hiện thực Việt Nam thế kỷ XX. Tuổi thơ ông sớm phải nếm trải những tháng ngày vất vả và cực nhọc, đến 16 tuổi mới học hết tiểu học nhưng phải thôi học, rời quê hương Nam Định đến Hải Phòng tìm kế sinh nhai. Năm 18 tuổi, Nguyên Hồng gia nhập văn đàn với truyện ngắn đầu tay Linh hồn đăng trên tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, và sau đó gây tiếng vang với tiểu thuyết Bỉ vỏ năm 1937. Trải nghiệm thực tế trong những khu lao động nghèo thời niên thiếu khiến Nguyên Hồng sớm hướng ngòi bút tới những người cùng khổ trong xã hội, từ đó cho ra đời những tác phẩm tiêu biểu như các tiểu thuyết Qua những màn tối, Hơi thở tàn, Cửa biển, hồi ký Những ngày thơ ấu cùng nhiều sáng tác khác. Song song với nghề cầm viết, Nguyên Hồng còn tham gia phong trào kháng chiến, là thành viên Hội Văn hóa Cứu quốc và là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1982, ông đột ngột qua đời tại Bắc Giang khi đang viết dở dang cuốn tiểu thuyết cuối cùng Núi rừng Yên Thế.
Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhận xét về tác phẩm:
“Suốt đời Nguyên Hồng chỉ có viết, suốt đời Nguyên Hồng chỉ có vật lộn với trang giấy. Anh dám sống, dám gạt bỏ, dám nhận những thiệt thòi, dành cho tác phẩm. Tất cả, tất cả cuộc đời Nguyên Hồng dành trọn vẹn, hết mình cho tác phẩm.”
Nhà văn Kim Lân
“Gọi Nguyên Hồng là nhà văn của người cùng khổ tưởng không ai trong số các nhà văn hiện đại của ta thích hợp hơn, xứng đáng hơn. Bởi số phận của họ còn được nhà văn theo đuổi suốt cả một đời, kể từ cuốn sách đầu tay Bỉ vỏ đến bộ tiểu thuyết đồ sộ cuối đời là Cửa biển.”
Giáo sư Phong Lê
“Cho đến ngày cuối cùng của đời anh, như một người chiến sỹ ngót nửa thế kỷ nay không một phút ngừng nghỉ, anh đã ngã xuống trên trang giấy của trận đánh lớn nhất đời anh còn dang dở…”
Nhà văn Nguyên Ngọc
———
Nhà xuất bản: Văn học
Kích thước: 16 x 24 cm
Cân nặng: 1500g
Tác giả: Nguyên Hồng
Số trang: 256
Minh họa: Hoàng Phượng Vỹ
Hình thức bìa: Bìa cứng, có áo. In màu toàn bộ
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.